Hải Thượng Lãn Ông

Hải thượng lãn Ông - Lê Hữu Trác
Nhà đại danh y dân tộc, nhà khoa học lớn,
Ðồng thời là nhà tư tưởng, nhà văn lỗi lạc của nước ta ở thế kỷ thứ XVIII

    Hải Thượng Lãn ông tên thật là Lê Hữu Trác, quê tại thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Ðường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Hưng).

    Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình (ông, cha, chú, bác, anh, em) đều học giỏi, đỗ cao, làm quan to của thời vua Lê chúa Trịnh. Cha là Lê Hữu Mưu đỗ đệ tam giáp tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê Dụ Tôn tới bậc thượng thư. Mẹ là Bùi Thị Thưởng quê ở xứ Bầu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

    Biệt hiệu Hải Thượng do hai chữ đầu tiên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng), nhưng cũng có thể do chữ Bầu thượng là quê mẹ và là nơi Hải Thượng ở lâu nhất, từ năm 26 tuổi đến khi mất. Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông lười ở Hải Thượng. Nhưng thực tế chúng ta sẽ thấy lười ở đây là lười với công danh phú quý nhưng rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh cứu người.

    Lúc nhỏ, Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở thủ đô Thăng Long. Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ, và đã thi vào tam trường.

    Năm 19 tuổi, cha mất sớm nên Lê Hữu Trác phải thôi học về nhà chịu tang. Lúc này khắp nơi nghĩa quân nổi lên chống chính sách hà khắc của chúa Trịnh, nhân dân rất khổ sở, nghĩa quân lại nổi ngay ở làng bên cạnh quê hương, nên không thể ngồi yên mà học được. Lê Hữu Trác đành xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung. Nhưng để chuẩn bị vào nghiệp kiếm cung, Lê Hữu Trác đã có những ý kiến khác với nhiều thanh niên thời đó. Lê Hữu Trác đã tìm gặp một ẩn sĩ họ Vũ ở làng Ðặng Xá, huyện Hoài An rất giỏi môn Thiên nhân (một môn học về thiên văn, địa lí, bày binh bố trận, bói toán...) dạy cho thuật âm dương sau vài năm nghiên cứu thuật âm dương, Lê Hữu Trác mới đeo gươm tòng quân. Lê Hữu Trác đã viết về thời kỳ này của đời mình như sau: "...Tôi nghiên cứu thuật âm dương trong vòng vài năm, cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình. Vượt bao phen nguy hiểm, tôi cũng được bình yên. Những kế hoạch trù tính trong quân cơ phần nhiều đều phù hợp... Thống tướng (của chúa Trịnh) nhiều phen muốn đề bạt nhưng tôi nghĩ: chí bình sinh chưa thỏa mãn thì cầu cạnh làm chi...".

    Rõ ràng đây là công việc không hợp ý Lê Hữu Trác. Cho nên khi được tin người anh mất, Lê Hữu Trác xin ra khỏi quân ngũ, lấy cớ về thay anh "nuôi mẹ già 70 tuổi và mấy cháu mồ côi" ở Hương Sơn.

    Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng trong vòng hai, ba năm liền chữa khắp nơi không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt nam. Sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở Rú Thành thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Ðộc thi đỗ cử nhân rồi ở nhà làm thuốc được nhân dân rất tín nhiệm. Qua hơn một năm ở nhà thầy thuốc, Lê Hữu Trác đã khỏi bệnh. Trong thời gian nằm chữa bệnh ở đây, những lúc rỗi rãi Lê Hữu Trác mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang Trung quốc để đọc, phần lớn đều hiểu thấu, thầy thuốc Trần Ðộc lấy làm lạ và đã có ý muốn truyền đạt nghề mình cho Lê Hữu Trác. Mặc dù lúc này Lê Hữu Trác đã phát hiện thấy trên đời còn một công việc rất quan trọng đối với con người là bảo vệ sức khỏe, chữa bệnh cứu người nhưng cũng chưa quyết chí học thuốc. Lê Hữu Trác đã viết: "... Những chỗ ý nghĩa sâu xa về dịch lý âm dương trong sách thuốc, tôi đều hiểu thấu. Trần tiên sinh lấy làm lạ muốn đem hết cái hiểu biết về y học dạy cho tôi, nhưng lúc bấy giờ vì bận việc tôi chưa chú ý học...".

    Ðến khi Lê Hữu Trác 30 tuổi, sức khỏe đã trở lại, tướng của chúa Trịnh cho người tới mời Lê Hữu Trác trở về quân ngũ, Lê Hữu Trác cố ý xin từ và lúc này mới quyết chí học thuốc. Lê Hữu Trác viết: "...Cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ đi lâu rồi, nên xin cố từ, lấy cớ còn mẹ già không thể đi xa được. Và trở lại Hương Sơn làm nhà ở ven rừng quyết chí học thuốc, tìm đọc khắp các sách, đêm ngày mài miệt, tiếc từng giây phút". Và từ đấy Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông.

    Vì nơi ở của Hải Thượng rất hẻo lánh, trên không có thầy giỏi để học, dưới không có bạn hiền giúp cho, Hải Thượng phải tự học là chính. Ðể việc học tập có kết quả hơn, Hải Thượng đã làm bạn với một thầy thuốc nữa cũng họ Trần ở làng Ðỗ Xá gần làng Tình Diệm để cùng nhau trao đổi những kiến thức thu thập được trong khi đọc sách.

    Do kiến thức rộng, chẩn bệnh kê đơn thận trọng cho nên Hải Thượng Lãn Ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa không khỏi, tên tuổi Hải Thượng lan nhanh khắp nơi, tới tận thủ đô Thăng Long. Trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh Hải Thượng Lãn Ông đã mở trường đào tạo thầy thuốc, người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học. Lãn Ông lại tổ chức ra Hội y ?? nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên hệ trao đổi học hỏi nhau.

    Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách, vì Hải Thượng nghĩ rằng: "... Tôi thấy y lí bao la, sách vở chồng chất, chia môn xếp loại tản mạn vô cùng. Những sách do những bậc hiền triết tiền bối luận về bệnh, về ý nghĩa đơn thuốc, về tính vị bài thuốc có nhiều chỗ chưa nói đến nơi đến chốn, tất phải thâu tóm hàng trăm cuốn, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc".

    Năm 62 tuổi, Hải Thượng Lãn Ông được chúa Trịnh Sâm triệu ra thủ đô Thăng Long để chữa bệnh cho con là Trịnh Cán. Việc ra thủ đô vào lúc tuổi già, đó là một điều bất đắc dĩ đối với Hải Thượng. Nhưng lòng mong ước được nhân dịp này tìm cách in ra để phổ biến rộng rãi tác phẩm của mình, vì vậy Hải Thượng ra đi. Hải Thượng đã kể lại tâm sự của mình trong tập Thượng kinh ký sự (kể chuyện ra thủ đô) về lúc này như sau: "... Bấy giờ tôi bứt rứt không biết là chừng nào, suốt đêm không ngủ. Tôi tự nghĩ: mình lúc trẻ mài gươm đọc sách, rồi nay đây mai đó, trong l5 năm đã không làm nên công trạng gì. Nay đã vứt bỏ công danh về ẩn ở núi Hương Sơn, dựng lều, nuôi mẹ, đọc sách mong tiêu dao trong vườn đạo lý của Hoàng Ðế, Kỳ Bá hai tổ sư của Ðông y tự lấy việc giữ gìn cho mình, cứu giúp người là đắc sách. Ai ngờ nay lại khổ về cái hư danh. Nhưng mình đã dày công nghiên cứu y học trong vòng 30 năm, soạn được một bộ Tâm Lĩnh không dám truyền thụ riêng cho ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết. Nhưng việc thì nặng, sức lại mỏng, khó mà làm được. Quỷ thần hiểu thấu lòng mình, chuyến này đi có chỗ may mắn đây cũng chưa biết chừng".

    Không may cho Hải Thượng, ra thủ đô Thăng Long ở gần một năm trời, cả hai việc đều không thành: đến thủ đô, Hải Thượng được đưa vào khám bệnh ngay cho Trịnh Cán, nhưng đơn thuốc kê lên bị các thầy thuốc khác trong phủ chúa gièm pha và không được dùng. Sách thuốc cũng chẳng tìm được ai chịu trách nhiệm cho in. Nhưng cũng chính trong chuyến đi này, Hải Thượng đã rất vui mừng được biết sách thuốc của mình biên soạn không những đã được học trò sao chép dùng tại chỗ mà còn được đưa đi rất xa tới tận thủ đô và có người nhờ học sách thuốc của mình mà đã trở thành thầy thuốc giỏi ở thủ đô nên đã lập bàn thờ, thờ sống Hải Thượng để tỏ lòng nhớ ơn.

    Cuối năm đó (1782) Hải Thượng Lãn Ông trở lại Hương Sơn, tiếp tục dạy học, biên soạn thêm một số tập trong toàn bộ tác phẩm "Y tông tâm lĩnh" cho đến khi ông mất. Nhân dân táng mộ Hải Thượng ở chân núi Minh Từ, khe Nước cạn, cách thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn 4km, hiện nay vẫn còn.

    Hải Thượng Lãn Ông được nhân dân đương thời chú ý và trọng vọng do tài chữa bệnh, dạy học, viết sách và làm thơ văn.

    Sau khi Hải Thượng Lãn Ông mất, cho đến ngày nay chúng ta biết, học tập và nhớ ơn Hải Thượng Lãn Ông là do tác phẩm "Y tông tâm lĩnh" nghĩa là những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước. Hiện nay người ta gọi tác phẩm này là "Hải Thượng y tông tâm lĩnh".

    Bộ sách này được Hải Thượng Lãn Ông biên soạn trong vòng 10 năm: bắt đầu vào lúc Hải Thượng 40 tuổi (1760), căn bản hoàn thành khi Hải Thượng Lãn Ông tròn 50 tuổi (1770), nhưng từ đó cho đến một năm trước khi mất, nghĩa là trong vòng 20 năm nữa, Hải Thượng còn bổ sung viết thêm một số tập nữa như Y hải cầu nguyên (1782), Thượng kính ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786). Toàn bộ sách Hải Thượng Lãn Ông để lại, bao gồm 28 tập và chia thành 66 quyển.

    Một điểm đặc sắc đầu tiên nổi bật của bộ sách "Y tông tâm lĩnh" là Hải Thượng Lãn Ông đã tiếp thu có phê phán, chọn lọc rồi vận dụng những kiến thức cơ bản vào điều kiện cụ thể về khí hậu, về con người và về cả cách suy nghĩ của con người Việt nam, nhất là những lý luận cơ bản của nền y học Trung quốc cũng như những kinh nghiệm chữa bệnh của những thầy thuốc trước, của nhân dân lao động trong và ngoài nước, kể cả một số ít giáo sĩ phương Tây khi ấy mới sang Việt nam ta. Và khác với nhiều người viết sách trước, có tiếp thu của người khác nhưng cứ lơ đi, coi như đó là của mình, Hải Thượng Lãn Ông đã trình bày rõ ràng, trung thực trong mỗi tập sách viết ra là mình đã tiếp thu ý kiến của người xưa như thế nào để người đọc có thể có điều kiện kiểm tra hoặc dễ dàng có ý kiến phê phán trả lại.

    Cùng với những lời tâm sự đã dẫn Hải Thượng Lãn Ông đến việc biên soạn bộ sách đã giới thiệu ở phần trên, chúng ta hãy cùng nhau trích đọc một vài đoạn nữa trong bộ "Y tông tâm lĩnh".

    Mở đầu tập "Âu ấu tu trí" (nói về cách chữa bệnh trẻ em). Hải Thượng viết: "....Sách có nói: Chữa mười người nam không bằng chữa cho một người nữ, chữa cho mười người nữ không bằng chữa cho một người già, chữa mười người già không bằng chữa cho một em bé... vì trẻ con đau đớn chỗ nào không nói lên được mà chỉ thấy khóc, chứ không hiểu được đau bệnh gì cho nên chẩn trị không gì khó bằng. Riêng Cảnh Nhạc có luận rằng: Chữa bệnh trẻ em so với chữa bệnh người lớn lại rất dễ vì trẻ con bên ngoài không bị khí lục dâm dày dạn lâu ngày, bên trong cũng không bị bảy loại tình cảm dày vò, trừ các chứng kinh phong cam tích ra hễ trẻ có bệnh thì phần nhiều là do ăn uống mà ra, nếu xét rõ được nguyên nhân mà điều trị thì đã dễ lại càng thêm dễ. Ðọc đến đây, tôi ngạc nhiên, tấm tắc khen rằng: thật là nghe những lời từ xưa chưa từng nghe nói những lời mà mọi người khó nói được. Từ Hiên Viên, Kỳ Bá đến nay chỉ có một người ấy thôi...

    Tại sao người đời trị bệnh trẻ em lại không xét cái ý trẻ em là thuần dương vô âm, nên bỏ âm để phối dương, mà cứ cho là thuần dương nên dễ phát nóng, rồi hễ cho thuốc thì cứ bốc những thứ thuốc đắng, lạnh, trẻ bẩm sinh vốn đã không có phần âm mà lại đánh bạt mất phần dương, âm dương đều không có, mà muốn cho mầm mống tươi tốt, thành được cây to sống lâu, chẳng là viển vông lắm sao? Tôi rất băn khoăn lo ngại về tình trạng này nên gom góp các bài luận, các đơn thuốc về nguồn gốc và chứng trạng bệnh trẻ em, của các nhà y học thành một tập nhan đề "Âu ấu tu tri" để bổ sung vào các phương pháp lập thành của người xưa, và ở cuối tập lại tiếp thêm một chương Lạc sinh, đấy là phần tâm đắc của tôi tự tay viết ra, là có ý dốc hết sở năng của mình mong muốn cứu sống trẻ em được một phần nào".

    Tuy bộ "Y tông tâm lĩnh" là một bộ sách thuốc, nhưng một trong 28 tập không những được giới y dược ưa thích mà còn được các nhà văn, nhà thơ, nhà sử cũng như nhà triết học nước ta đánh giá rất cao. Ðó là tập "Thượng kinh ký sự , trong đó Hải Thượng Lãn Ông kể lại chuyến đi ra thủ đô Thăng Long chữa bệnh cho hai cha con Trịnh Sâm và Trịnh Cán, một số tầng lớp thượng lưu ở thủ đô, cũng như chuyện giao du với các nhà nho, nhà thơ ở thủ đô Thăng Long từ tháng giêng đến tháng mười năm Nhâm Dần (1782). Có thể nói trước và sau Hải Thượng Lãn Ông hầu như văn học nước ta chưa có một tác phẩm viết theo lối văn kể chuyện, người thực chép việc thực, nói lại những chuyện hằng ngày. Giá trị lịch sử của tập sách này là nó giúp ta thấy lại được một cách sinh động cuộc sống của chúa Trịnh, sinh hoạt giao du của tầng lớp quan lại, nhà nho, mô tả một số người có vai trò nhất định trong lịch sử cuối thời Lê như chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Chánh đường Hoàng Ðình Bảo (chức quan cao nhất của chúa Trịnh). Nó lại giúp ta thấy lại thủ đô Thăng Long cách đây hơn 200 năm, trong đó có nhiều di tích hiện nay không còn nữa. Cũng trong tập ký sự này, chúng ta được biết đời sống và hoạt động của một số thầy thuốc trong phủ chúa Trịnh, việc bảo vệ sức khỏe của vua chúa trong thời kỳ đó. Ðọc tập ký sự này, ta còn được biết trong khi nhiều người lấy làm sung sướng vì được vua chúa ban cho quan tước thì Hải Thượng lại hết sức từ chối, mà cũng chính vì thế mà thoát khỏi bị giết khi quân sĩ trong phủ chúa nổi lên giết hết các quan chức ở đây Hải Thượng viết: "Mồng 2 tháng 11 về đến nhà... được vài hôm, nghe tin cả nhà quan chánh đường (Hoàng Ðình Bảo) bị hại... Tôi mừng thầm nói: "Mình ẩn thân nơi rừng suối, chẳng đoái hoài gì đến lợi danh. Bỗng chốc bị triệu, phải chống gậy lên kinh đô ngót một năm trời. Xin xỏ năm lần bảy lượt mới được buông tha. Vạn nhất mình không kiên quyết, mang lấy một chức quan thì bây giờ danh lợi đã chẳng thành, mà cái thân lại bị nhục, hối thì đã muộn. May sao... tuy thân mắc vào vòng danh lợi nhưng không bị lợi danh mê hoặc... mình không đến nỗi bị thiên hạ chê cười, chỉ nhờ "không tham" đó thôi".

    Do những giá trị văn thơ và lịch sử ấy nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ngay từ năm 1923, tập truyện ký này đã được Nguyễn Trọng Thuật dịch và đăng ở tạp chí Nam Phong, năm 1950, Dương Quảng Hàm trích in trong Việt nam văn học sử yếu, năm 1959 Phan Võ dịch lại và nhà xuất bản Văn hóa đã cho in, nhân dịp 250 năm ngày sinh của Hải Thượng, nhà xuất bản Văn học đã cho sửa chữa lại và tái bản lần nữa.

    Hai mươi bảy tập còn lại của tác phẩm này dành hoàn toàn cho những vấn đề thuần túy về chữa bệnh, dùng thuốc, nhưng do cách cấu tạo của bộ sách, lối viết đặc biệt của Hải Thượng Lãn Ông, nên bên cạnh những kiến thức chuyên môn về chữa bệnh dùng thuốc, chúng ta còn biết và học tập được ở Hải Thượng quan điểm về ngành nghề, đạo đức của người thầy thuốc cũng như nếp suy nghĩ hiếm có của một tri thức thời đó.

    Về quan điểm ngành nghề. Phải sống lại hoàn cảnh lịch sử nước ta ở thế kỷ thứ XVIII, khi mà tư tưởng cầu danh lợi, ham làm quan, làm tướng coi thường nghề thuốc đang ngự trị ở đầu óc hầu hết trí thức nước ta lúc ấy, mới thấy hết khó khăn của Hải Thượng Lãn Ông khi chọn nghề thuốc làm lẽ sống của đời mình. Hãy nghe Hải Thượng kể lại những lời bàn ra: "Một tân thủ khoa họ Trần, người bạn mới quen ở quận bên, một hôm đến chơi thấy trên bàn có chồng sách thuốc, biết tôi say sưa với nghề thuốc đã: "Tỏ lời can ngăn đôi ba lần mà không thể được" lại nói thêm "Ðạo lý rất lớn nhưng gọi là Ðạo tức là đường lối trị nước"... Chính sách hay phép tắc tốt thì sử sách còn ghi, còn như đạo làm thuốc chỉ thấy chép ở ngoại sử. Tuy Ngũ đế kỉ có chỗ chép về nghề thuốc thì lại chỉ nói song song với việc làm ruộng mà thôi, ngoài ra không thấy đâu nói đến cả. Cho nên nhà nho đời này qua đời khác đều học tập kinh nghiệm Xuân Thu, sử Tư Mã, dùi mài suốt đông sang hè đủ để làm bước thang phú quí, lẫy lừng công danh. Còn như việc làm thuốc chỉ là một nghệ thuật mà thôi. Nếu như có ai coi trọng một chút thì nói là nhân thuật là cùng. Như vậy, phải chăng đạo làm thuốc không chính thức là nền tảng trong đạo lý của người đời đó ru?".

    Ngay cả khi được thấy Hải Thượng được chúa Trịnh triệu ra thủ đô Thăng Long, một vị quan văn thư có nhiệm vụ đưa Hải Thượng lên kinh đô đã cho rằng, hẳn là vị tài gì khác mà Hải Thượng được tiến cử chứ không phải do nghề thuốc nên vị quan này đã nói: "Tôi nghe quan lớn tôi nói cụ là bậc cao ẩn, mượn tiếng thầy thuốc đó thôi".

    Nhưng chúng ta thấy, mặc ai nói ra nói vào, lòng yêu nghề thuốc của Hải Thượng vẫn không thay đổi vì "nghề này có thể giúp người ta yên vui", vì "đạo làm thuốc cũng giống như đạo làm tướng".

    Về đạo đức của người thầy thuốc. Hải Thượng viết: "Ðã là thầy thuốc thì nên nghĩ đến việc giúp người, không nên vắng nhà lâu để tìm vui thú riêng như đi chơi ngắm cảnh, mang rượu lên núi uống chơi, vì nhỡ có bệnh cấp cứu, người ta tìm thầy không gặp kịp, hại đến tính mạng con người". Hoặc như "Nếu cùng một lúc có nhiều người mời đi thăm bệnh thì phải căn cứ vào bệnh cấp đi trước, bệnh không cấp đi sau chứ không nên vì người bệnh giàu hay nghèo mà đến trước đến sau, như lúc cho thuốc cũng căn cứ vào tật bệnh chứ không nên căn cứ vào tiền ít mà cho thuốc tốt xấu".

    "Phàm học thuốc, phải luôn luôn trau dồi nghiệp vụ: khi có chút thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu sách thuốc xưa nay, luôn luôn phát huy biến hóa thâu nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt, thì tự nhiên ứng được vào việc làm mà không phạm sai lầm".

    "Chữa bệnh phải toàn điện. Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hay những người mồ côi goá bụa hiếm hoi lại càng nên chăm sóc đặc biệt, vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn những người nghèo khó thì không đủ sức đón thầy giỏi, vậy ta nên để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời... Những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại tuỳ sức mình mà chu cấp cho họ nữa, vì có thuốc mà không có ăn, thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện, thì mới đúng là nhân thuật".

    Ðáng quý hơn nữa, và điều này hầu như ít thấy ở những thầy thuốc trước và sau Hải Thượng Lãn Ông: đó là tinh thần không giấu dốt, dám mạnh dạn trình bày những trường hợp bệnh không khỏi, người bệnh đã chết, để người sau rút kinh nghiệm. Thực vậy, cùng với tập "Dương án" trong đó kể lại 17 bệnh án khó mà chữa khỏi, Hải Thượng còn viết một tập gọi là "Âm án", trong đó Hải Thượng đã trình bày 12 trường hợp bệnh khó, và mặc dù đã đem hết tinh thần cứu chữa đến cùng, còn nước còn tát của mình, nhưng cuối cùng người bệnh vẫn chết. Lý do cầm bút biên tập "Âm án", Hải Thượng đã viết như sau:

    "Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc phải việc cứu giúp người làm hay. Nhưng thói thường cứu được một người thì hoa chân múa tay biểu dương cho mọi người cùng biết, còn lỡ thất bại thì giấu đi, thường người ta hay giấu những thói xấu của mình, mà không đem sự thực nói với người khác... Trong việc chữa bệnh, tôi từng ứng biến để đối phó với bệnh tình, chuyển nặng ra nhẹ, cứu chết lấy sống được bao nhiêu trường hợp mà vẫn có những chứng phải bó tay đợi chết cũng không phải là ít. Tôi không tự thẹn với trình độ thấp kém trong việc cứu người cho nên ngoài những "Dương án" lại chép thêm một tập kể lại những lời khó nói ra được, gọi là "Âm án".

    Mong những bậc trí thức có chí làm thuốc sau này, khi thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo: chỉ chữa được bệnh mà không chữa được mệnh. Thì đó mới là cái may cho đạo y". Chỉ đọc một vài đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm "Y tông tâm lĩnh", chúng ta cũng thấy những tâm tư suy nghĩ cao quý của Hải Thượng Lãn Ông. Và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Hải Thượng còn sống, còn dạy học, thì mỗi lời mỗi câu trong tác phẩm của Hải Thượng đều được học trò của mình chép lại một cách đầy đủ. Cho đến khi Hải Thượng Lãn Ông đã mất đi rồi, những người học trò trực tiếp của Hải Thượng Lãn Ông cũng không còn nữa, đáng lẽ người ta chỉ cần chép lại những kiến thức thuần túy về chuyên môn chữa bệnh, chế thuốc và dùng thuốc thì người ta vẫn chép lại đầy đủ cả những suy nghĩ tâm tư của Hải Thượng. Tác phẩm "Y tông tâm lĩnh" của Hải Thượng Lãn Ông tuy hoàn thành về căn bản vào năm 1770, nhưng đã tồn tại gần như nguyên vẹn bằng con đường chép tay, chuyển người này qua người khác, để chờ 115 năm sau (1885) mới được khắc gỗ và in ra phổ biến rộng rãi trong nhân dân và truyền đến ngày nay.

    Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, thân thế và sự nghiệp, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách ta hơn 250 năm, những tư tưởng và phương pháp tư tưởng tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn là bài học còn tính chất thời sự và rất quý báu đối với chúng ta ngày nay.