Nguyễn Đình Chiểu

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP

 

    Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, là người thầy thuốc ưu tú của nước ta. Nhân dân thường gọi là Ông Đồ Chiểu.

    Ông tự là Mạnh Trạch hiệu là Trọng Phủ hay Hối Trai. Sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, Tổng Bình Trị Thượng, Huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình, Tỉnh Gia Định  nay thuộc Thành Phố Hồ Chí Minh. Thân phụ của ông là Nguyễn Đình Huy. Sinh năm 1793, người Thừa Thiên hiệu Dương Minh Phú, làm thơ lại, một chức quan nhỏ dưới quyền của Tả Quân Lê Văn Duyệt . Thân mẫu là bà Trương Thị Thiệt, thứ thiếp của Nguyễn Đình Huy. Nguyễn Đình Chiểu là con trưởng các em là Nguyễn Thị Thục, Nguyễn Thị Nữ, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Đình Tự, Nguyễn Đình Huân.

    Dưới thời Minh Mạng (1833) con nuôi của Tả Quân là Lê Văn Khôi và các tuỳ tướng nổi lên giết chết Bố Chính Bạch Xuân Nguyên. Thân phụ của ông là Nguyễn Đình Huy trốn về kinh đô rồi bị bắt và bị cách chức. Sau đó cải dạng trở vào Gia Định để đem Nguyễn Đình Chiểu ra Huế ở nhà người bạn thân làm chức Thái phó cũng bị cách chức và Nguyễn Đình Chiểu ở đó học 8 năm .

    Năm Canh Tý ( 1840 ) Nguyễn Đình Chiểu trở về Gia Định  ôn luyện để chuẩn bị đi thi. Vốn con nhà phiệt duyệt, lại thêm nhiều năm chăm chỉ học tập, kiến thức rất uyên bác. Nên đến năm quí mão ( 1843 ) Nguyễn Đình Chiểu thi đậu cử nhân tại trường thi Gia Định. Năm Bính Ngọ ( 1846 ) Nguyễn Đình Chiểu cùng en là Nguyễn Đình Tựu ra kinh đô Huế học để chuẩn bị kỳ thi hương năm Kỷ Dậu ( 1849 ) thì chẳng may được tin mẹ mất vào ngày rằm tháng 11 năm trước  (1848 ) lúc ấy bà mới 48 tuổi , được an táng tại phường Tân Triêm ( nay là Cầu Kho ). Nguyễn Đình Chiểu đành bỏ thi cùng em trở về nam chịu tang mẹ.

    Vì đường xá xa xôi, vì đau buồn thương khóc mẹ trên đường về nam Nguyễn Đình Chiểu bị đau mắt nặng, không nhìn thấy được nên đến nhà ông thầy thuốc  ở Quảng Nam để điều trị nhưng đôi mắt ông đã vĩnh viễn bị mù. Thời gian trị bệnh ở đây một năm Nguyễn Đình Chiểu đã tranh thủ học nghề thuốc. Năm sau Nguyễn Đình Chiểu về đến nhà thọ tang mẹ và mở trường dạy học ở Bình Vi ( Gia Định ).

    Nghe tiếng Nguyễn Đình Chiểu hay chữ, tính nết điềm đạm , giàu lòng thương người nên học trò theo học rất đông. Ngoài việc dạy học ông còn làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân, miệt mài nghiên cứu y học dược liệu và sáng tác thơ văn.

    Năm 1854 có một người học trò của Nguyễn Đình Chiểu ở Làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc tỉnh Gia Định  tên là Lê Tăng Quýnh về thưa với cha mẹ gả em gái mình là Cô Năm Điền cho thầy Nguyễn Đình Chiểu. Đến Năm Ất Mão (1855 ) Nguyễn Đình Chiểu đã có con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Hương. Lúc nầy chiến tranh loạn lạc đất nước rơi vào ách đô hộ giặc Pháp, Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về lánh nạn ở quê vợ là làng Thanh Ba. Trong thời gian nầy ông đã sáng tác  truyệ Lục Vân Tiên và bài văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc một áng văn yêu nước bất hủ trong lịch sữ văn học Việt Nam.

    Năm 1862 sau khi ba tỉnh miền đông mất giặc Pháp chiếm Cần Giuộc, ông không chịu ở vùng giặc nên đem gia đình về ở làng An Đức, tổng Bảo An, Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, mở trường dạy học làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân và chính trong thời gian nầy ông đã sáng tác bộ Ngư Tiều Y Thuật vấn đáp một tác phẩm vừa có tính văn học vừa có tính y học rất cao.

    Sống với bà Lê Thị Điền, Nguyễn Đình Chiểu có được 6 người con : Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Đình Chúc, Nguyễn Thị Xiêm, Nguyễn thị Khê, Nguyễn Đình Chiêm, Nguyễn Đình Ngưỡng, Trong sỗ các người con nầy, có hai người là Nguyễn Thị  Khê  và Nguyễn Đình Chiêm nối được nghiệp nhà, có đủ tài đức. Nguyễn Thị Khê văn tài lỗi lạc, goá chồng từ lúc còn trẻ nhưng quyết thủ tiết không chịu tái giá, lấy hiệu là : Sương Nguyệt Anh. Bà đã dạy học và làm chủ bút  tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam lấy tên là : Nữ Giới Chung. Còn Nguyễn Đình Chiêm tự là Trọng Vĩnh là một nhà văn nổi tiếng . Ông là soạn giả các vở hát bộ Phấn Trang Lầu, Nam Tống tinh Trung..

    Khi miền nam đã hoàn toàn bị Pháp thống trị  Nguyễn Đình Chiểu đã dùng văn chương nâng cao tinh thần chống Pháp và đề cao gương hy sinh của những người trung nghĩa, nhận thấy Nguyễn Đình Chiểu là người có tài, Pháp định mời ông ra giúp đở, cấp dưỡng tiền bạc để tỏ lòng mến phục một nhân tài, nhưng ông cũng từ khước không nhận.

    Ngày 24 tháng 5 năm Mậu  Tý  ( ngày 3 - 7 - 1888 ) Nguyễn Đình Chiểu trút hơi thở cuối cùng . Nhân dân Ba Tri cùng với bạn bè, học trò, con cháu đã long trọng tiển đưa đám tang ông. Hiên nay mộ của ông còn ở làng An Đức, Bảo An, Tỉnh Bến Tre cách chợ Ba Tri khoảng 2 cây số.

    Hiện tượng văn chương Đồ Chiểu là một thành tựu xuất sắc  của loại văn chương đạo lý. Sức mạnh của nó là sức mạnh của cảm xúc trử tình  với một cường độ mảnh liệt  phi thường. Qua các tác phẩm Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu và một số tác phẩm khác  đã thể hiện  một chân chất nói lên đạo lý làm người cũng như tác phẩm Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp  đã thể hiện cho chúng ta thấy nghề y không phải là một nghề nghiệp mà là thể hiện một nhân cách đạo Y .

    Nguyễn Đình Chiểu mất đi nhưng đã để lại cho nhân dân ấn tượng cao đẹp về nhân cách con người cũng như để lại cho giới thầy thuốc Việt Nam một nhân cách tiêu biểu của người thầy thuốc Việt Nam.