Lý Thời Trân

Lý Thời Trân (1518 - 1593)

Sinh ra trong thời nhà Minh ở Trung Quốc tại Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu) vào năm 1518, tự Ðông Bích, sau đổi là Tần Hồ Sơn Nhân. Lý Thời Trân là một danh y nổi tiếng trên thế giới vì hiện giờ nhiều nước vẫn dùng quyển Bản Thảo Cương Mục của ông để dùng chữa trị hoặc nghiên cứu, vì quyển sách được Lý Thời Trân biên soạn ròng rã mấy chục năm mới hoàn tất, nó không quý bởi thời gian soạn sách kéo dài mà do nội dung của nó rất hữu dụng.

Lý Thời Trân viết từ năm ông được 35 tuổi, ông đi sưu tập các sách dược học cổ điển nằm trong dân chúng, và thân hành đi tìm đặc tính của từng loại thực vật được xem là cây thuốc để biết về tình trạng, tính chất, mùi vị và công hiệu của nó v.v... công việc này kéo dài 27 năm, làm việc trong nổ lực lao động cực nhọc, sửa đổi bản cảo ba lần và vào năm ông được 61 tuổi (1.578) thì quyển Bản thảo cương mục hoàn chỉnh hoàn toàn.

Khi Lý Thời Trân mất, ba năm sau (1596) quyển Bản thảo cương mục của ông mới được phổ biến rộng rãi, từ Kim Lăng (Nam Kim) lan dần ra khắp nước, các y sư nào cũng tìm một quyển, vì có mấy ai đã sưu tầm được đầy đủ các loài động thực vật dùng làm thuốc này. Thời nay quyển sách chẳng những cống hiến cho sự phát triển ngành dược liệu ở Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến các ngành khác như Y học, Thực vật học, Ðộng vật học, Khoáng vật học, Hóa học trên toàn thế giới.

Theo lược sử viết về Lý Thời Trân, thân thế của ông như sau:

  • Ông là con một thế y, nên khi nhỏ Lý Thời Trân đã có tâm nguyện sẽ nối nghiệp cha làm nghề thầy thuốc cứu đời. Nhưng sống trong xã hội phong kiến thời nhà Minh, nghề y sĩ không được coi trọng, cha ông cho ông đi học để làm quan, nên năm lên 14, Lý Thời Trân đỗ tú tài, qua thi cử nhân cả ba lần đều không đỗ, Lý Thời Trân quay về nghề cha, học làm thuốc. Năm lên 30 ông đã nổi tiếng là một danh y;
  • Năm 1551, Lý Thời Trân được Sở Vương ở Vũ Xương mời làm Lương Y Sở sự vụ. Năm 1556, được tiến cử làm ở Thái Y Viện, dịp này Lý Thời Trân có điều kiện tham khảo các sách y học thời cổ tại thư viện của Viện, ông trích lục được nhiều tài liệu quý hiếm và được xem nhiều mẫu dược vật. Nhờ những điều kiện này mà niềm đam mê viết sách nổi lên, ông xin từ chức Thái Y Viện Quan để bắt đầu viết cuốn Bản thảo cương mục;
  • Năm 1593, ông mất thọ được 75 tuổi.